Những khoảnh khắc đẹp khi động vật giao chiến

0
1476

Săn hình những màn tấn công của động vật hoang dã là trải nghiệm được nhiều nhiếp ảnh gia ưa thích.

Nhiếp ảnh gia Keith Szafranski ghi lại cuộc giao chiến giữa 2 con gấu nâu trên sông ở vùng Alaska (Mỹ). Mỗi con gấu này có thể nặng đến hơn 500 kg. Trong tự nhiên, gấu nâu Alaska có xu hướng sống độc lập. Tuy nhiên, chúng thường xuất hiện thành đàn ở những khu vực kiếm ăn như sông, suối… Chúng thích ăn cá hồi, quả mọng, xác động vật và rễ cây. Đôi khi, gấu nâu cũng tìm vào nhà của người dân để kiếm thức ăn. Ảnh: Keith Szafranski.

Cảnh hai “chúa sơn lâm” đánh nhau được nhiếp ảnh gia Piyaphon Phemtaweepon ghi lại chân thực. Trong tự nhiên, hổ vẫn tấn công đồng loại để giành lãnh thổ. Thông thường, một con hổ đực khỏe mạnh có khoảng 10-15 km làm khu vực săn mồi của riêng mình. Nếu lãnh thổ bị con khác xâm lấn, chúng sẽ không ngại tấn công. Các chuyên gia cho biết chuyện hổ săn hổ vẫn xảy ra nhưng đây không phải bản chất của chúng. Ảnh: Piyaphon Phemtaweepon.

Trong ảnh, trận chiến của hai con chim cánh cụt gentoo ở Nam Cực. Theo Pinguins, trước khi tấn công, chim cánh cụt thường phát ra tiếng kêu lớn. Những cuộc chiến giữa các con chim cánh cụt vẫn thường diễn ra. Lý do chủ yếu là bảo vệ tổ, con non. Ảnh: Grafissimo.

Bức ảnh chụp cận đã ghi lại chân thực trận đánh giữa những con kiến lửa và ruồi. Loài kiến thường có thói quen tấn công theo đàn, đẩy đối thủ vào thế khó chống đỡ. Ảnh: Sreekumar Mahadevan Pillai.

Thông thường, kiến lửa chỉ tấn công những con vật nhỏ. Cách tấn công của loài này là cắn và phun axit lên vết thương. Những vết cắn này khiến con mồi đau đớn do bị cả đàn “đánh hội đồng”. Trong ảnh, đàn kiến lửa tấn công một con kiến đen. Ảnh: Niki Garcia.

“Xin đừng giết tôi” là tên bức ảnh của tác giả Gilles Baechler. Ảnh: Gilles Baechler.

Những cú đá hậu uy lực luôn là vũ khí đáng sợ của loài ngựa. Ảnh: Kamal Sharma.

Trận chiến giữa nhện và kiến dưới con mắt của nhiếp ảnh gia Mohd Farid Azhar. Ảnh: EyeEm.

Con rắn đang cuốn chặt lấy con cầy mangut to hơn nó nhiều lần. Cấu trúc hàm đặc biệt giúp rắn có thể nuốt trọn con vật to hơn nó 3-4 lần. Trong tự nhiên, cầy mangut được xem như đối thủ nặng ký với rắn. Ảnh: Getty Images.

Trận đánh trên tuyết giữa hai con chim nutcracker. Bức ảnh được chụp tại núi Vitosha, Bulgaria. Ảnh: James Warwick.

Những con gấu trắng Bắc Cực đực thường đánh nhau vào mùa sinh sản để thu hút sự chú ý với con cái. Chúng cũng đánh nhau vì vấn đề lãnh thổ hoặc tranh chấp con mồi. Tuy có bản tính hung hăng, chúng cũng có lúc chia sẻ đồ ăn với nhau. Theo Polar Bears International, gấu trắng Bắc Cực có cách xin đồ ăn của con khác. Chúng dùng cách chào hỏi “mũi đối mũi” và dần tiếp cận miếng mồi tùy theo độ thiện chí của con đang ăn. Ảnh: Getty Images.

Nguồn: ZingNews