Quá trình giết cá voi gây sốc ở Nhật Bản

0
1147

Đoạn video 20 phút ghi lại cảnh ngư dân Nhật giết một con cá voi minke, bằng cách dìm nó dưới nước cho đến khi chết ngạt, khiến các nhà hoạt động bức xúc.

Mark Simmonds, nhà khoa học hàng hải tại Humane Society International (HSI), nói với BBC rằng ông không bất ngờ với những sự việc diễn ra trong video, được quay và chia sẻ trên mạng hồi cuối tháng 1.

“Đoạn phim có giá trị ở chỗ nó tường thuật lại toàn bộ quá trình giết con cá voi, để cả thế giới có thể cùng chứng kiến”, Simmonds nói.

Theo các nhà hoạt động, hàng chục con cá voi phải chịu cái chết đau đớn như vậy mỗi năm.

Chú cá voi Minke bị sa vào lưới và sau đó bị giết. Ảnh: BBC.

Các nhà hoạt động xã hội cho rằng việc đánh bắt cá voi tàn nhẫn hoàn toàn có thể ngăn chặn. Tuy nhiên, các ngư dân lại nhìn loài động vật có vú này như món quà mà biển cả ban tặng.

Truyền thống săn bắt cá voi của người Nhật

Nhật Bản, giống như một số quốc gia khác trên thế giới, có truyền thống săn bắt cá voi kéo dài hàng thế kỷ. Sau Thế chiến 2, khi nước này trải qua giai đoạn kinh tế khó khăn, thịt cá voi trở thành một mặt hàng chủ lực của Nhật Bản.

Tuy nhiên, đối với những người ủng hộ việc săn bắt cá voi, loài động vật không chỉ là món ăn được bày trên đĩa, mà còn là niềm tự hào dân tộc.

Trong hơn 30 năm trở lại đây, ngư dân Nhật Bản không được phép săn bắt cá voi ở ngoài khơi. Một thời gian dài đánh bắt quá mức khiến quần thể cá voi tại nước này đang bên bờ vực tuyệt chủng. Nhật Bản đã đăng ký với Ủy ban săn bắt cá voi quốc tế (IWC) để tránh trường hợp xấu nhất xảy ra.

Chú cá chết đi sau khi bị dìm dưới nước trong 20 phút. Ảnh: BBC.

Vào tháng 7/2019, các thuyền săn cá voi bắt đầu hoạt động trở lại, mặc cho nhu cầu đã giảm trên thị trường. Những người ủng hộ săn bắt chia sẻ với BBC rằng họ nhẹ nhõm vì “văn hoá và cách sống này sẽ được truyền lại cho các thế hệ sau”.

Tuy nhiên, lần này, chính phủ đưa ra những giới hạn nhất định trong việc săn bắt. Năm đầu tiên, ngư dân được phép khai thác 52 con minke bởi đây là loài không có nguy cơ tuyệt chủng. Ngoài ra, họ được phép săn bắt 150 con cá voi bryde và 25 con cá voi sei.

Tổng kết mùa đánh bắt năm 2019, ngư dân Nhật Bản được khai thác 227 con. Vào năm 2020 và 2021, giới hạn về số cá voi được đánh bắt tăng đến 383 con.

Có 3 nhóm bắt cá voi. Đầu tiên là nhóm đánh bắt chuyên nghiệp, kế đến là nhóm do chính quyền quản lý, và nhóm thứ ba là “bắt nhầm”. Năm 2020, 37 con cá voi bị làm thịt và bán ra bởi nhóm bắt nhầm này.

Cái chết thương tâm của cá voi minke

Cá voi minke trong video về cảnh đánh bắt gây sốc là một trong số 37 con bị bắt bởi nhóm “bắt nhầm”, theo BBC. Con vật được cho là chỉ tình cờ bơi nhầm chỗ và không đúng lúc.

Sau 30 năm, tàu thương mại cá voi hoạt động trở lại vào tháng 7/2019. Ảnh: BBC.

Ren Yabuki, người đứng đầu Cơ quan điều tra phi chính phủ về quyền động vật Nhật Bản (LIA), lần đầu tiên phát hiện con cá voi bị mắc kẹt trong lưới ở ngoài khơi Taiji (thị trấn nổi tiếng với hoạt động săn cá heo hàng năm The Cove) vào ngày 24/12.

Ban đầu, ông hy vọng ngư dân sẽ thả con cá voi. “Nhưng họ không làm vậy”, ông nhớ lại. Yabuki nghi ngờ ngư dân “không muốn thả lưới vì bên trong có quá nhiều cá”.

Trong 20 ngày sau đó, ông vận động đơn vị là chủ sở hữu tấm lưới để thả chú cá voi. Ông cũng đăng các video được ghi lại bằng máy bay không người lái của mình lên mạng.

Những đoạn video giúp nhiều người trên khắp thế giới chứng kiến sự tuyệt vọng của chú cá voi theo thời gian.

Dư luận nhiều nơi lên tiếng. Nhiều người bày tỏ mạnh mẽ quan điểm rằng phải đưa cá voi về với đại dương.

Nhưng sau đó, vào ngày 11/1, Yabuki bất lực nhìn hai chiếc thuyền ép chú cá vào giữa hai mạn tàu. Ông chứng kiến họ bắt và giữ đuôi chú cá voi, ghìm chặt đầu nó dưới nước khoảng 20 phút cho đến khi chú cá chết đi.

Vào lúc này, con thuyền dính đầy máu của con vật. Máu chảy ra khi cá voi vùng vẫy nhưng không thể thoát thân.

Cá voi bị sa vào lưới. Ảnh: BBC.

Vài ngày sau cái chết của cá voi minke, một video quay lén xuất hiện trên mạng xã hội, cho thấy cảnh thịt cá voi được đóng gói gọn gàng trong siêu thị địa phương với giá 398 yên (gần 4USD) cho 100 gram.

Tất nhiên, phần thịt được bày bán có thể không phải của con cá bị bắt ở ngoài khơi Taiji.

Đối với những người ủng hộ săn bắt cá voi, sau khi video của ông Yabuki về cảnh đánh bắt được chia sẻ, họ vẫn khẳng định không làm sai điều gì.

Hiệp hội Thủy sản Taiji lập luận rằng họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc giết con cá voi. “Thủy triều lên nhanh và rất khó để thả con vật”, thông báo cho biết.

Thịt cá voi được bày bán tại chợ địa phương. Ảnh: BBC.

Hideki Moronuki, lãnh đạo tại Cơ quan Ngư nghiệp Nhật Bản, chia sẻ với BBC rằng có thể các ngư dân không còn cách khác để giết loài vật này, và họ buộc phải giết chúng trong nước biển.

“Tôi tin rằng hầu hết người Nhật nghĩ đó là cách duy nhất để giết cá voi mà không khiến nó bị kích động quá mức”, ông Moronuki nói.

Nhưng đối với ông Yabuki và ông Simmonds, điều đó thể hiện sự tàn bạo trong việc giết thịt các động vật.

“Tay tôi run lên vì khó chịu. Tôi rất buồn và rất tức giận”, ông Yabuki nói với BBC. “Tôi muốn giải cứu chú cá voi, và thả nó về biển cả. Nhưng tôi không thể làm được”.

Ông Simmonds cho biết thêm: “Thắt chặt đầu của một loài động vật có vú đã tiến hóa và dìm chúng dưới nước trong thời gian dài, khiến chúng dần cạn kiệt oxy, là một phương pháp tàn nhẫn nhất trên đời”.

Theo ông Moronuki, “một số người cảm thương với số phận con cá mắc kẹt trong lưới. Họ rất hy vọng chúng được thả về đại dương”.

Tuy nhiên, đối với những ngư dân trong nhóm “bắt nhầm”, mỗi con cá voi mắc kẹt trong lưới là một phần thưởng, bởi họ không có giấy phép để đánh bắt và kinh doanh cá voi.

“Do vậy, rất nhiều người cho rằng cá voi là một món quà từ đại dương và phải được khai thác triệt để như một cách thể hiện lòng biết ơn với tự nhiên”, ông Moronuki nói.

Theo ông Simmonds, thuật ngữ “bắt nhầm” để nói về việc đánh bắt cá voi vô tình và không nằm trong ý muốn. “Tuy nhiên, việc săn bắt tại Nhật Bản không nằm trong phạm vi này. Đó hoàn toàn là việc có thể đoán trước và có chủ ý”.

Nguồn: https://zingnews.vn/qua-trinh-giet-ca-voi-gay-soc-o-nhat-ban-post1179544.html